1.1. Quá trình hình thành và phát triển
Sáu mươi năm qua, trường ĐHBK Hà Nội không ngừng xây dựng và phát triển để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đà phát triển đó, ngành Nhiệt-Lạnh của Trường cũng liên tục phấn đấu và trưởng thành.
Khởi nguồn từ bộ môn Nhiệt điện, thuộc khoa Điện, được thành lập vào tháng 8 năm 1960 với vẻn vẹn 6 cán bộ cơ hữu ban đầu và và ba gian nhà cấp bốn (dãy nhà 18), ngày nay Viện Khoa học và Công Nghệ Nhiệt - Lạnh đã có 4 bộ môn chuyên ngành, hai trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và một phòng thí nghiệm tập trung với số lượng cán bộ cơ hữu 50 người, cán bộ thỉnh giảng 18 người và cán bộ hợp đồng 12 người có quy mô đào tạo đại học khoảng 500 sinh viên.
Ngay từ năm 1958, ngành Nhiệt đã được phôi thai bởi việc thành lập bộ môn Nhiệt kỹ thuật đảm nhiệm các môn chuyên ngành nhưng không đào tạo kỹ sư, thuộc liên khoa Cơ -Điện. Bộ môn có 3 biên chế đầu tiên là thầy Bùi Doãn Tuất, về Trường năm 1957 sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý, đại học sư phạm, thầy Mai Văn Thận, cũng về Trường năm 1957 sau khi tốt nghiệp ngành ô tô ở Trung quốc và thầy Phạm Lê Dần về trường năm 1958 sau khi tốt nghiệp ngành Đầu máy xe lửa ở Trung quốc. Tuy nhiên chỉ đến năm 1960, khi có 3 kỹ sư Nhiệt tốt nghiệp từ trường Năng lượng Mátxcơva là các thầy Nguyễn Hoặc, Nguyễn Duy Quế và Phạm Lương Tuệ, kết hợp cùng với 3 thầy tách ra từ bộ môn Nhiệt kỹ thuật là Phạm Lê Dần, Nguyễn Văn Mẫn và Bùi Doãn Tuất, bộ môn Nhiệt Điện thuộc khoa Điện mới được thành lập với chức năng đào tạo kỹ sư chuyên ngành, đánh đấu sự ra đời của ngành Nhiệt ĐHBK Hà Nội. Bộ môn Nhiệt kỹ thuật thời kỳ trước, được giải thể. Nhóm các thầy còn lại đã thành lập nên bộ môn Động cơ nhiệt thuộc khoa Cơ khí, sau này đổi tên thành bộ môn Động cơ đốt trong vào năm 1962.
Từ tháng 10 năm 1960 bộ môn Nhiệt điện bắt đầu đào tạo lớp kỹ sư Nhiệt điện đầu tiên cho sinh viên khóa 2 của khoa Điện. Bên cạnh đó, bộ môn còn đảm nhiệm giảng dạy Nhiệt kỹ thuật cho toàn Trường. Kể từ đó lịch sử của ngành Nhiệt được chính thức khởi nguồn.
Do nhu cầu phát triển mới của nhà Trường và của Ngành, năm 1967, một nhóm các thầy lại được tách ra để thành lập bộ môn Nhiệt kỹ thuật. Nhóm các thầy còn lại vẫn tiếp tục duy trì và phát triển bộ môn Nhiệt điện với nhiệm vụ đào tạo kỹ sư nhiệt điện như ban đầu. Bộ môn Nhiệt kỹ thuật lúc đó, ngoài nhiệm vụ giảng dạy kỹ thuật Nhiệt đại cương cho toàn trường còn nhận thêm nhiệm vụ giảng dạy phần cơ cở kỹ thuật nhiệt, bao gồm 2 môn là Nhiệt động và Truyền nhiệt cho riêng sinh viên ngành Nhiệt điện.
Ngày 5 tháng 9 năm 1974, bộ môn Đo lường và Tự động nhiệt được thành lập, cũng tách ra từ chính bộ môn Nhiệt điện, với nhiệm vụ phụ trách 2 môn học là Đo lường nhiệt và tự động hóa quá trình nhiệt và môn Nhà máy nhiệt điện và mạng nhiệt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 30 tháng 4 năm 1975, cả hai bộ môn Nhiệt điện và Nhiệt kỹ thuật đã cử nhiều cán bộ vào Nam để góp phần gây dựng ngành Nhiệt ở trường ĐHBK thành phố Hồ Chí Minh và ĐHBK Đà Nẵng. Đây cũng là mốc thời gian mà bộ môn Nhiệt kỹ thuật đảm nhiệm thêm nhiệm vụ đào tạo kỹ sư ngành Nhiệt công nghiệp (bắt đầu từ khóa K18) để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng về sử dụng năng lượng nhiệt trong các ngành kinh tế quốc dân.
Tháng 2 năm 1983, bộ môn Lò công nghiệp thành lập năm 1966 thuộc khoa Luyện kim được sáp nhập với bộ môn Nhiệt kỹ thuật để hình thành nên bộ môn Cơ sở kỹ thuật nhiệt và Nhiệt công nghiệp, Đến tháng 3 năm 1984, ba bộ môn là Cơ sở kỹ thuật nhiệt và nhiệt công nghiệp, Nhiệt điện (đều thuộc khoa Điện) và Máy và tự động thủy khí (thuộc khoa Động lực) được sáp nhập để thành lập nên bộ môn Nhiệt thuộc khoa Điện, đến tháng 7 năm 1984 thuộc khoa Cơ khí – Năng lượng – Dệt. Đến tháng 10 năm 1984, bộ môn Cơ sở kỹ thuật Nhiệt và Nhiệt công nghiệp cũ (lúc này đang trong bộ môn Nhiệt thuộc khoa Điện) lại được tách ra để thành lập nên bộ môn Nhiệt công nghiệp.
Do nhu cầu đổi mới, từ năm 1987, trường ĐHBK Hà Nội chuyển sang mô hình quản lý 2 cấp (Trường – Khoa). Thời kỳ này, ngành Nhiệt được duy trì với 2 trong 29 khoa của toàn trường là khoa Máy lạnh và Thiết bị nhiệt, từ bộ môn Nhiệt công nghiệp và khoa Thiết bị năng lượng nhiệt, từ bộ môn Nhiệt điện.
Sau khi trở lại với mô hình quản lý 3 cấp (trường – Khoa – Bộ môn), ngành Nhiệt được duy trì với 2 bộ môn là Công nghệ Nhiệt, thuộc khoa Năng lượng và Máy lạnh và thiết bị Nhiệt (sau được đổi tên thành bộ môn kỹ thuật Nhiệt - Lạnh) thuộc khoa Cơ khí.
Để tập trung cán bộ và cơ sở vật chất ngành Nhiệt về một mối, trên cơ sở 2 bộ môn nói trên, thể theo nguyện vọng của tập thể cán bộ các Bộ môn và được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, ngày 10 tháng 10 năm 2000, Viện Khoa học và công nghệ Nhiệt – Lạnh với tên giao dịch quốc tế là Institute of Heat engineering and Refrigeration (viết tắt là IHERE) chính thức được thành lập theo quyết định số 4166/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài chức năng chuyên môn đào tạo nghiên cứu khoa học như một khoa chuyên ngành, Viện còn có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu và mã số thuế độc lập. Qua đó, đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn xã hội thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ theo đúng chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước .
Việc thành lập Viện đã chấm dứt tình trạng phân tán về tổ chức và lực lượng cán bộ ngành Nhiệt – Lạnh, giúp đưa năng lực về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của ngành Nhiệt lạnh ĐHBK Hà Nội lên một tầm cao mới. Những thành tựu đồng đều và cả ba mặt mà Viện Nhiệt – Lạnh đã đạt được từ khi thành lập đến nay đã minh chứng cho chủ trương đúng đắn đó của lãnh đạo các cấp.
1.2. Chức năng nhiệm vụ
Ngay từ khi mới thành lập, Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh có nhiệm vụ hàng đầu là đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ có trình độ và chất lượng cao trong ngành Nhiệt, ưu tiên phát triển đào tạo đại học chính quy và sau đại học. Hiện nay, Viện đã từng bước hoàn thiện phương thức và hệ thống các chương trình đào tạo đại học và sau đại học theo hướng hiện đại, hấp dẫn, linh hoạt và hiệu quả nhằm đáp ứng mọi nhu cầu về nhân lực trong thực tiễn. Tuy nhiên, ngoài nhiệm vụ đào tạo, Viện còn có hai thế mạnh truyền thống là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Ba chức năng nhiệm vụ cốt lõi, tạo thế kiềng ba chân vững chắc này luôn luôn gắn liền với Viện trong suốt thời kỳ xây dựng và phát triển. Đây là truyền thống, tiềm năng và cũng là thế mạnh của Viện, của Ngành. Để có thể là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư phát triển công nghệ, các giới doanh nghiệp, tài chính trong và ngoài nước, góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội bền vững của đất nước. Từ đó từng bước góp phần thực hiện mục tiêu của đề án BK- 50-2 của nhà Trường về chiến lược phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Các hướng ưu tiên triển khai, nghiên cứu :
Về nghiên cứu cơ bản hiện nay Viện đang tập trung vào các hướng nghiên cứu sau đây
i. Nghiên cứu các quá trình truyền nhiệt, truyền chất đặc thù và giải pháp tăng cường truyền nhiệt trong các quá trình và thiết bị nhiệt lạnh
ii. Nghiên cứu các quá trình nhiệt động học không thuận nghịch xảy ra trong điều kiện thực. Xác định tính chất nhiệt động của chất khí, tính chất nhiệt vật lý của các vật liệu;
iii. Xây dựng tổ hợp chương trình tối ưu hệ thống điều khiển đối tượng bất định trong công nghiệp. Mô hình hóa, tự động hóa và tối ưu hóa tính toán, vận hành các quá trình và hệ thống thiết bị Nhiệt lạnh;
iv. Lí thuyết và kĩ thuật cháy nhiên liệu, tối ưu hóa quá trình cháy hỗn hợp nhiên liệu;
v. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tận dụng. Các giải pháp nâng cao hiệu và tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị nhiệt.
Về nghiên cứu ứng dụng hiện nay Viện đang tập trung vào 2 lĩnh vực chính dưới đây:
(1) Công nghệ cháy sạch và năng lượng tái tạo kết hợp với nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Cụ thể:
- Nghiên cứu công nghệ cháy tầng sôi và tầng sôi tuần hoàn để tăng hiệu suất cháy, giảm thiểu ô nhiễm;
- Nghiên cứu đặc tính nhiệt động của các môi chất, tìm ra các môi chất hữu cơ dùng cho chu trình tận dụng nhiệt để phát điện hoặc sinh công;
- Nghiên cứu các kỹ thuật đốt cháy nhiên liệu, các vấn đề nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công nghệ cháy than sạch, khí hóa và than trộn, năng lượng địa nhiệt , cốc hóa than…
- Nghiên cứu hoàn thiện chế tạo các lò đốt rác thải;
- Nghiên cứu các quá trình sinh khối tận dụng trấu thải của Việt Nam. Nghiên cứu chuyển giao các thiết bị gia nhiệt bằng năng lượng mặt trời;
- Nghiên cứu máy lạnh hấp thụ chạy bằng khói thải và năng lượng mặt trời;
- Nghiên cứu ứng dụng bơm nhiệt để sản xuất nước nóng và cấp nhiệt. Nghiên cứu các giải pháp TKNL cho các hệ thống nhiệt-lạnh .
(2) Nghiên cứu nâng cao chất lượng bảo quản nông lâm thủy hải sản sau thu hoạch theo hai tiêu chí: bảo toàn tối đa chất lượng sau thu hoạch và giảm thiểu về chi phí năng lượng. Góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm, mở rộng xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam . Cụ thể
- Nghiên cứu hoàn thiện quá trình đông lạnh thủy sản và các loại thực phẩm của Việt Nam;
- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ bảo quản rau quả tươi hạn chế tối đa dùng hóa chất;
- Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sấy nông lâm thủy hải sản của Việt Nam;
- Nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị và dây truyền công nghệ thực phẩm ở điều kiện trong nước.
Dịch vụ khoa học công nghệ
- Xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực nhiệt-lạnh;
- Kiểm định, đánh giá chất lượng và kiểm toán năng lượng các hệ thống lạnh và điều hòa không khí và các hệ thống và thiết bị nhiệt;
- Đào tạo về kiểm toán và quản lý năng lượng;
- Thiết kế chế tạo lò hơi và mạng nhiệt;
- Thiết kế chế tạo lò gạch bán công nghiệp;
- Thiết kế chế tạo các lò đốt rác;
- Thiết kế chế tạo các thiết bị sấy nông sản thực phẩm;
- Nghiên cứu tính toán, thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị nhiệt lạnh sử dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo, tận dụng;
- Nghiên cứu tính toán, thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị xử lí chất thải bảo vệ môi trường như: Nước thải, rác thải;
- Nghiên cứu tính toán, thiết kế và chế tạo các dây chuyền hệ thống sản xuất nước giải khát, thực phẩm, đồ uống;
- Bảo quản rau quả tươi sau thu hoạch bằng công nghệ nhiệt độ thấp kéo dài thời gian bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch hạn chế sử dụng hóa chất;
- Chuyển giao công nghệ và thiết bị cấp đông tối ưu cho các loại thực phẩm;
- Chuyển giao công nghệ ứng dụng bơm nhiệt trong công nghiệp và gia dụng;
- Tư vấn thiết kế, đấu thầu, giám sát xây lắp các hệ thống lạnh và điều hòa không khí, hệ thống điều hòa không khí chính xác;
- Tư vấn thiết kế, đấu thầu, giám sát xây lắp các mạng nhiệt;
- Các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các hệ thống lạnh và điều hòa không khí;
- Các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các hệ thống thiết bị trong nhà máy điện hoặc thiết bị nhiệt trong công nghiệp.
1.3. Nguồn nhân lực và cơ sở vật chất
Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng làm nên các thành tựu, kết quả hoạt động của Viện, của Ngành như ngày hôm nay. Ngay từ ban đầu Viện đã xác định xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với phương châm “Xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, giàu trí tuệ, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ đủ sức giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra”. Để thực hiện được việc đó, Viện đã luôn ưu tiên tuyển chọn tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư xuất sắc và giỏi làm cán bộ giảng dạy. Ngoài ra, để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, Viện đã tăng cường cử cán bộ giảng dạy trẻ đi học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ ở những nước có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, xây dựng và tập hợp đội ngũ cán bộ vững mạnh có tâm đức và tài năng để không ngừng phát huy truyền thống và những thành quả đã đạt được của Ngành. Ngày nay, tuy hầu hết các cán bộ là cựu lão thành cốt cán, cựu nhà giáo ưu tú, các Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành đã về hưu nhưng với lực lượng cán bộ trẻ còn lại hiện đang công tác tại Viện, với những nhiệt tình, tâm huyết và sức trẻ, vẫn luôn cố gắng tiếp bước, xây dựng và phát triển để viết nên những trang sử mới cho Viện, cho Ngành Nhiệt hôm nay và mai sau.
Hiện nay, Viện có tổng số 50 cán bộ biên chế với 07 Phó giáo sư, 01 Tiến sĩ khoa học, 9 Tiến sĩ, 28 Thạc sỹ, 05 Kỹ sư, 04 Cử nhân. Trong đó, có 06 Cán bộ đang làm đi nghiên cứu và học tập tại các nước như Đức, Australia, Nhật bản … Ngoài ra, Viện cũng đang ký hợp đồng thỉnh giảng với 18 cán bộ trong đó có 06Giáo sư, 09 Phó giáo sư và 03 Tiến sĩ, 2 Giảng viên chính.
Bên cạnh nguồn nhân lực đầy triển vọng này, Viện đã và đang xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất để phục vụ cho các quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Năm 2005, Viện được Nhà nước đầu tư phòng thí nghiệm tập trung với tổng số vốn khoảng 2,5 triệu USD. Phòng thí nghiệm được chia ra làm nhiều phòng chức năng riêng lẻ để phục vụ các hướng đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu. Cụ thể, tính đến nay, trên cơ sở các thiết bị được cung cấp và khả năng cơ sở hạ tầng hiện có, PTN tập trung của Viện đã thiết lập 5 phòng thí nghiệm thuộc các chủ đề sau:
Phòng “Truyền nhiệt và công nghệ sấy”, bao gồm các thiết bị nghiên cứu quá trình truyền nhiệt, truyền chất, các thiết bị công nghệ sấy;
Phòng “Kỹ thuật lạnh và điều hoà không khí”, bao gồm các thiết bị điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, thiết bị sấy lạnh, buồng vi khí hậu;
Phòng “Phân tích nhiên liệu và quá trình cháy”, bao gồm các thiết bị phân tích các thành phần nhiên liệu hiện đại, máy phân tích cỡ hạt, dòng hạt bằng tia Laser-3D;
Phòng “Công nghệ nhiệt điện, điều khiển và tối ưu hóa”, bao gồm nhà máy nhiệt điện mini, buồng đốt lớp sôi tuần hoàn;
Phòng “Đo lường, điều khiển và kỹ thuật hệ thống”, bao gồm các thiết bị đo, tự động hoá, hệ giám sát và điều khiển tập trung, hệ điều khiển phân tán, bàn điều khiển quá trình, hệ thống phân tích và xử lý rung.
Từ ngày thành lập PTN đã đóng góp tích cực vào công tác đào tạo sau đại học, hàng năm hỗ trợ từ 2-5 NCS, 5-10 học viện cao học thực hiện công tác nghiên cứu thực nghiệm. Về nghiên cứu khoa học, ngoài việc thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học các cấp, PTN đã hỗ trợ thiết bị nghiên cứu cho nhiều cán bộ trong Viện để thực hiện các tài khoa học. Đây là đầu tư lớn nhất trong suốt gần 55 năm hình thành, xây dựng và phát triển Ngành. Đến nay, việc xây dựng và đầu tư thêm các cơ sở vật chất, bổ sung cho phòng thí nghiệm tập trung đang được chú trọng thông qua sự kết hợp giữa các kênh đề tài, dự án trong và ngoài Viện.
1.4. Một số thành tích tiêu biểu về đào tạo, NCKH và CGCN
Từ khi được thành lập, Viện Nhiệt - Lạnh đã thực hiện đào tạo kỹ sư với hai chuyên ngành: Máy và thiết bị nhiệt lạnh và Kỹ thuật năng lượng. Trong 55 năm xây dựng và phát triển đến nay, Viện và các đơn vị tiền thân đã đào tạo được hàng chục Tiến sỹ, hàng trăm Thạc sỹ chuyên ngành, gần 3000 Kỹ sư và gần 1000 cử nhân cao đẳng Điện Lạnh. Tuy nhiên, từ năm 2012 do quy định mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo nên hệ cử nhân cao đẳng Điện Lạnh này đã không còn trong chương trình đào tạo. Không chỉ tăng về số lượng, các Tiến sỹ, Thạc sỹ, Kỹ sư và Cử nhân được đào tạo còn được cộng đồng ngành Nhiệt Việt Nam đánh giá cao về khả năng chuyên môn, lòng yêu nghề. Rất nhiều người trong số những cựu sinh viên nghành Nhiệt đã thành đạt và được đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các tổ chức kinh tế, xã hội từ khi còn khá trẻ.
Về nghiên cứu khoa học, Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh đã chủ trì và thực hiện hàng chục đề tài các cấp. Các công trình này không chỉ được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao mà còn được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ và sự kết hợp nhuần nhuyễn này là một trong những thành quả đáng ghi nhận không chỉ của riêng Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh mà còn là của lãnh đạo tất cả các cấp thời gian qua.
Chuyển giao công nghệ là một thế mạnh của Viện Nhiệt -Lạnh. Những năm mới thành lập, doanh số về chuyển giao công nghệ của Viện luôn luôn đứng đầu trong toàn Trường. có năm Viện chiếm tới gần 50% tổng doanh thu của cả Trường. Trong đó phải kể đến sự đóng góp của PGS. Đinh Văn Thuận và GVC. Chu Văn Kính và một số cán bộ khác. Các sản phẩm mang dấu ấn của Viện xuất hiện ở hầu khắp các công trình quan trọng của đất nước, từ nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, các nhà máy bia ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, các nhà máy luyện cán thép, các công trình yêu cầu tiện nghi cao như khách sạn chính phủ và các các phòng thí nghiệm sạch của bộ Y tế. Doanh thu hàng năm từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 10 đến 25 tỷ đồng, thậm chí, năm 2006 đạt đến gần 50 tỷ đồng. Điều này cho thấy phạm vi hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng của Viện KH&CN Nhiệt – Lạnh đã lan rộng ra ngoài xã hội và trực tiếp có những đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đóng góp của đội ngũ cán bộ khoa học của Viện KH&CN Nhiệt Lạnh đã được các cơ quan nhà nước đánh giá cao. Điều này thể hiện qua các giải thưởng mà cá nhân đã nhận được như sau:
Các giải thưởng khoa học công nghệ đã được trao tặng
§ Giải thưởng Hồ Chí Minh (2005): cho Cụm công trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển Công nghệ Cơ khí-Tự động hóa trong công nghệ chế biến thực phẩm. Tác giả PGS Đinh Văn Thuận, PGS Đinh Văn Nhã và các cộng sự.
§ Giải nhất Vifotec (2004): Nghiên cứu chế tạo dây chuyền sản xuất sữa trong điều kiện Việt Nam. Tác giả PGS Đinh Văn Thuận.
§ Giải nhất Vifotec (2000): Nghiên cứu chế tạo dây chuyền sản xuất bia, rượu trong điều kiện Việt Nam. Tác giả PGS Đinh Văn Thuận.
§ Giải nhì Vifotec (2004). Nghiên cứu chế tạo lò gạch liên tục kiểu đứng nhằm giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng.Tác giả GS Hoàng Bá Chư và các cộng sự
§ Giải ba Vifotec (2004): Nghiên cứu thiết kế chế tạo bơm nhiệt máy nén dùng để sấy lạnh nông, lâm thủy sản ở nhiệt độ thấp. Tác giả GS Phạm Văn Tùy và các cộng sự
§ Giải ba Vifotec (2003): Nghiên cứu chế tạo thành công giàn làm mát cho máy phát điện của nhà máy thủy điện : Yaly, Sông Đà, Trị An..Tác giả GVC Chu Văn Kính, ThS Mai Thanh Hà Huế, GS Nguyễn Sĩ Mão.
§ Huy chương vàng hội chợ Quốc tế (2000).
§ Bằng độc quyền sáng chế về “hệ thống hút ẩm và sấy nhiệt độ thấp dùng bơm nhiệt, máy nén” GS Phạm Văn Tùy 2004.
§ Giải ba Vifotec (2013)
------M&E Center-------