1. ĐỊNH NGHĨA VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
1.1 Cáp quang là gì?
Cáp quang là cáp viễn thông được làm từ chất liệu thủy tinh hoặc là nhựa, dùng ánh sáng để truyền tín hiệu đi. Cáp quang dài và mỏng, phần thủy tinh trong suốt chỉ bằng một sợi tóc, được sắp xếp trong bó và có khả năng truyền tín hiệu với khoảng cách xa.
1.2 Lịch sử của cáp quang
Có thể nói cáp quang đã mở ra một kỷ nguyên mới cho hệ thống thông tin thế giới, nếu như không có cáp quang thì internet sẽ không thể có bước phát triển vượt bậc như hiện nay và mọi người cũng không thể gọi điện thoại đi quốc tế được. Tuy cáp quang có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người nhưng không phải người nào cũng biết được ai phát minh ra cáp quang và quá trình hoàn thiện để cáp quang có thể hoàn mỹ như thời điểm hiện tại.
Vào năm 1966, hai kỹ sư trẻ làm việc tại Phòng thí nghiệm chuẩn viễn thông của Anh là Charles Kuen Kao và George Hockman đã công bố một khám phá mới đầy tính hứa hẹn về sợi quang hay là những sợi bằng thủy tinh hoặc bằng nhựa trong suốt, mỏng hơn một sợi tóc. Tuy nhiên vào thời điểm sợi quang được công bố thì việc sử dụng không mấy khả quan khi mà thông điệp được chuyển thành xung ánh sáng chỉ đi được một khoảng cách rất ngắn, đây chính là hiện tượng giảm cường độ theo từng dB/km. Sau một thời gian nghiên cứu, Kao đã phát hiện ra nguyên nhân của tình trạng trên là do một vài khiếm khuyết bên trong vật liệu, nếu như khắc phục được thì tỷ lệ thất thoát sẽ giảm xuống mức có thể chấp nhận được là 20 dB/km.
Năm 1970, hãng sản xuất gốm sứ và thủy tinh của Mỹ là Corning Glass Works tuyên bố họ đã thành công chế tạo ra một cáp quang phá vỡ giới hạn 20 dB. Trong khi các công ty khách đặt sự chú ý vào việc lọc thủy tinh thì Corning lại nghiên cứu chất silica, đây có thể nói là một hướng đi đúng đắn của công ty này.
Đến cuối những năm 70, công nghệ cáp quang đã được các công ty viễn thông triển khai và sử dụng phổ biến nhưng nó chỉ làm nên một cuộc cách mạng vào những năm 90. Cáp quang thực sự bùng nổ với internet vì nó là cơ sở, nền tảng của internet và wifi. Ngày nay cáp quang ngày càng thể hiện được vai trò của nó trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.
2. CẤU TẠO VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁP QUANG
2.1 Cấu tạo cáp quang
Cáp quang được làm bằng từ chất liệu gì? Thành phần chính của sợi cáp quang gồm có phần lõi, lớp phản xạ ánh sáng và lớp vỏ bảo vệ chính. Cụ thể:
- Phần lõi: Được làm bằng plastic hoặc sợi thủy tinh dùng để truyền dẫn ánh sáng.
- Lớp phản xạ ánh sáng: Bao bọc phần lõi cáp quang giúp bảo vệ và phản xạ ánh sáng trở lại lõi.
- Lớp vỏ bảo vệ chính: Gồm có nhiều lớp khác nhau, phụ thuộc vào tính chất và cấu tạo của mỗi loại cáp. Tuy nhiên có ba lớp bảo vệ chính đó là lớp chịu lực kéo, lớp vỏ bảo vệ ngoài và lớp áo giáp. Trong đó lớp chịu lực kéo được làm từ sợi Kevlar có tác dụng chịu nhiệt, chịu lực kéo căng; lớp vỏ bảo vệ ngoài làm bằng nhựa PVC giúp tránh va đập và ẩm ướt; lớp áo giáp có khả năng chịu và đập, nhiệt độ và sự mài mòn, bảo vệ các bộ phận bên trong.
2.2 Nguyên lý làm việc của cáp quang
Ánh sáng bên trong sợi quang được truyền qua lõi, va đập liên tục vào lớp phản xạ ánh sáng theo nguyên tắc phản chiếu toàn bộ bên trong. Do lớp phản xạ ánh sáng này không hấp thu ánh sáng bên trong lõi cho nên sóng ánh sáng có thể truyền đi rất xa. Nếu như ánh sáng bị giảm sút thì nguyên nhân chủ yếu là do thủy tinh không tinh khiết.
2.3. Cáp quang kéo được bao xa? Mạng cáp quang có bị sét đánh không?
Đây là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm trước khi quyết định có nên lắp mạng cáp quang hay không? Hiện nay các nhà mạng đều đang hoàn thiện hệ thống cáp quang của mình cho nên dù bạn ở thành thị hay nông thôn đều có thể đăng ký sử dụng cáp quang với tốc độ nhanh và ổn định nhất.
Ngoài ra quý khách có thể hoàn toàn yên tâm trong quá trình sử dụng cáp quang vì so với cáp đồng, cáp quang không dẫn sét nên an toàn tuyệt đối và không gây ảnh hưởng tiêu cực nào đến hệ thống dữ liệu.
2.4. Ứng dụng của cáp quang là gì?
Hiện nay cáp quang có 2 loại chính đó là Singlemode (đơn mode) và Multimode (đa mode). Ứng dụng của mỗi loại cáp quang là khác nhau. Nếu như cáp quang Multimode được sử dụng nhiều để truyền tải dữ liệu trong khoảng cách ngắn (≤ 5Km) nên thường được các cơ quan, các doanh nghiệp, tổ chức, trường học,… sử dụng cho hệ thống mạng nội bộ thì cáp quang Singlemode lại được dùng để truyền tải dữ liệu với khoảng cách xa (không giới hạn) nên thường được các nhà cung cấp internet sử dụng trong hệ thống mạng trong nước hoặc đường truyền quốc tế.
Còn ứng dụng thực tế đối với đời sống hàng ngày là truyền tải tín hiệu internet để các bạn có thể xem phim, nghe nhạc, chém nhảm trên facebook, xem youtube....
TRUNGTAMCODIEN.NET - GIÚP BẠN VƯƠN XA